Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

À ơi [Chap 5]




Các bạn có hiểu cảm giác khi chợt nhận ra hình như mình yêu em trai của mình không?

Tôi không hiểu. Hoàn toàn không. Vì tôi chưa một giây phút nào trong đời coi Jaejoong là em trai cả. Và tôi cũng không thể yêu em được, cho dù tôi với em có gì, thì nó cũng chỉ được giới hạn trong tình anh em thôi.

Yêu là cái thứ xa xỉ cho độ tuổi của tôi.

Mười bảy tuổi, tôi chỉ được mến các bạn nữ, quậy phá cùng các bạn nam, cãi lời ba mẹ như bao thanh thiếu niên khác. Tôi chưa có quyền vội yêu.

Nói là vậy nhưng trong lòng tôi không như tôi suy nghĩ. Nó cứ vận hành theo cái cách mà tôi cảm nhận, không cần quan tâm lý trí nói gì. Tôi biết điều đó rõ nhất khi nghe em nói là em sẽ không ở nhà chúng tôi nữa.

Khi tôi trở lại bệnh viện em đã ngồi chờ tôi sẵn ở băng ghế ngay ngoài phòng bệnh.

Hình ảnh em lúc đó buồn bã hơn mọi cái sự buồn trước đây mà tôi từng cảm nhận. Em ngồi ngay ngắn mà thẫn thờ, nhìn chăm chú vào một khoảng không trước mặt. Nước da hơi nhợt và màu môi tái đi. Em chưa ăn gì từ buổi chiều tới giờ.

Trái tim tôi đập ầm ầm như chiếc xe kéo lớn cày lên mặt đường. Em sẽ nói cái câu mà tôi với mẹ đều đã đoán trước rồi sao?

Chỉ vì quá khứ của em là dĩ vãng xa vời mà em không thể từ giã được nên giờ để em sống một cách bình thường thật khó khăn. Tuy rằng em luôn ở ngay bên cạnh nhưng cái cảm giác em sẽ bay đi mất luôn hiện hữu.

Tôi không nói gì cả, chỉ yên lặng ngồi xuống cạnh em.

Buổi chiều tôi có nghe bác sỹ nói với em rằng bà giờ có thể tỉnh táo nhưng sức khỏe thì tuột dốc không kiểm soát được. Bà có thể mất bất cứ lúc nào. Chưa kể tiền bảo hiểm cũng sắp cạn kiệt, bệnh viện không thể nuôi không bệnh nhân được.

Mới lớp tám thôi. Em chỉ mới lớp tám thôi. Vậy mà sao nhiều chuyện để em suy tư, để em phiền muộn. Tôi đưa tay vuốt tóc em, nhẹ nhàng hỏi.


“Vậy giờ em tính sao?”


“Em sẽ về ở với bà!” Em trả lời ngay lập tức. Chắc chắn đến độ tôi cảm thấy sự khuyên nhủ nơi mình chưa thốt thành lời đã gần như vô vọng rồi.


“Anh nghĩ em nên đưa bà về nhà mình!”


“Không được!”


“Sao lại không? Bà thì bệnh, em thì còn đi học, hai bà cháu ở một mình đâu có được!”


“Một mình em gây phiền hà là đủ rồi! Em không muốn thêm gánh nặng cho Dì với Dượng. Em đủ lớn để lo_” Coi cái cách em nói chuyện kìa. Sao mà đáng buồn thế. Tôi có phải xa lạ với em đâu.


“Khoan nói chuyện em lớn chừng nào rồi! Em lấy tiền đâu ra mà nuôi Ngoại? Cái thứ hai nữa, cả nhà có coi em là gánh nặng bao giờ đâu! Em coi mọi người như người ngoài sao?”


“Không phải như vậy!”


“Không phải vậy thì như thế nào Jaejoong?”


“Em nghĩ giờ mình nên đi…” Tôi nghĩ là mình muốn giận em. Hoặc là phải như vậy.


“Jaejoong, em đã suy nghĩ kĩ chưa? Anh hỏi thật, em đã suy nghĩ kĩ chưa?” Tôi nhìn em, giọng điệu vẫn rất từ tốn. “Em muốn mẹ phải suốt ngày khóc vì nhớ em như lúc mẹ tiễn anh Duẫn đi học sao? Rồi ba? Rồi anh nữa? Em không muốn ở cùng mọi người nữa sao?”


“Mà chưa kể, em không muốn hay em không cần nữa...?” Tôi tàn nhẫn nhấn mạnh thêm một câu.


“Không phải! Ý em không phải như vậy!!” Em kêu lên, giọng nghe vụn vỡ nghẹn ngào rồi ôm chầm lấy tôi.


Lúc ấy đã hơn nửa đêm, hành lang khu này vắng ngắt. Tôi nghe rõ tiếng tim mình đập cũng như cơ thể em run lên. Nỗi tức giận vừa dâng lên một chút nhanh chóng tắt ngúm. Không hiểu nỗi tôi vừa nói cái gì nữa, đáng ra tôi phải hiểu cái cảm giác của em khi vào làm con nuôi cho một gia đình. Nhưng không, tôi cứ mở miệng ra mà trách em như thể mọi tội lỗi là do em gây ra vậy. Tôi thật ích kỉ.

Cái tuổi của tôi sao mà chóng chánh kì quặc thế. Có thể lớn to xác chừng này rồi mà tình cảm vẫn cứ thật non nớt. Nếu tôi có thể trưởng thành hơn, chín chắn hơn chắc giờ này em đã không phải gục ngã thế này.


“Jaejoong, anh biết em cảm thấy không tự nhiên khi đột nhiên đến ở một ngôi nhà xa lạ. Rồi phải sống chung với hàng đống người cũng xa lạ nốt!” Tôi vuốt tóc em bắt đầu nói thật nhẹ vào tai. “Bắt em một lúc coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra mà sống vui vẻ qua ngày thật sự rất khó khăn. Anh biết!”


“Nhưng thời gian đã qua rồi em. Người ta không thể vui vẻ hoài, nhưng cũng không có nỗi buồn nào là mãi mãi. Người chịu đựng nhiều nhất trong chuyện này là em, không phải gia đình anh!”


“Đúng, ngoại là người thân của em và không liên quan ruột rà gì với nhà anh. Ngoại về nhà anh cũng có chút ngại ngùng. Đó là sự thật, nhưng không sao. Cho dù có ngại, có phiền, có kì cục hay có gì đi chăng nữa… em vẫn luôn có cái quyền dựa vào gia đình mình. Hiểu không? Vì vậy đừng có nói là mình sẽ đi đâu nữa!”


Từ trước đến giờ dù giận thế nào tôi cũng chỉ nặng lắm là nạt một hai câu. Còn lại, tôi không bao giờ to tiếng. Người ta tốt một chút thì gọi là hiền lành điềm tĩnh, còn xấu một chút thì nói là nhát gan ù lì. Sao thì tôi cũng không chấp, tính tôi vốn vậy rồi.

Mặc dù tôi không la mắng gì nhưng em vẫn khóc. Em khóc tội nghiệp lắm. Mím môi vùi sâu mặt vào vai tôi để không phát ra tiếng. Tay em ôm tôi thật chặt cảm giác được từng ngón tay luồn vào sâu bên trong, thít chặt từng thớ thịt giữ tôi lại với em.


“Anh… Anh ơi…”


Tôi nghe mà lại muốn đần cả người. Tiếng khóc đêm nay sao mà giống tiếng khóc ngày ấy. Cảm giác cơ thể tôi cứng đờ ra, vô lực. Trong đầu trống rỗng.

Ở bệnh viện làm gì mà có mèo hoang trên nóc nhà để tôi bịa chuyện. Ở bệnh viện càng không có mẹ, ba hay anh Duẫn. Ở bệnh viện giờ này chỉ có tôi với em. Nghĩ tới hàng đống chuyện đó, tôi càng cảm thấy mình như thằng ngốc. Cuối cùng chẳng biết thế nào, tôi lại đưa tay vuốt lưng em, trên miệng khẽ ngân nga bài hát ru xưa lơ xưa lắc.

Khi em ngủ chẳng thứ gì trên thế giới này có thể làm em buồn. Em có quyền sống cuộc sống mình muốn trong những giấc mơ. Còn tôi, tôi ở thế giới hiện thực này mà bảo vệ em.


“À ơi~ Em tôi chín nhớ mười thương… Tát bao giờ cạn biển Đông…”



Khi em đưa Ngoại về ở chung, tôi cũng bị đuổi khỏi phòng mình. Vì em muốn được ở gần bà nhiều nhất có thể nên chuyện tôi phải chuyển lên phòng anh Duẫn ở tầng trên là dĩ nhiên.

Bác sĩ đã nói là hết hy vọng ở việc cứu chữa rồi. Vì tuổi tác bà đã lớn dù phẫu thuật thì sức khỏe bà cũng chịu không nổi. Cái khiến tôi xót xa nhất là khi nghe bác sĩ nói trên người bà có hơn một chục vết mổ lớn nhỏ. Bệnh lý của bà là cả một dãy dài đủ thứ bệnh. Bà có nói với em là dẫu sao bà cũng sống dư dả đời người của mình lâu hơn ối người rồi, có em ở bên bà như bây giờ là coi như bà hoàn thành tâm nguyện, yên tâm nhắm mắt.


Những lúc đó tôi hay nhăn mặt cằn nhằn. “Ngoại ơi, Ngoại lại nói thế nữa rồi! Đời này còn nhiều chuyện để làm lắm. Ngoại chờ anh Duẫn, cháu với Jaejoong cưới vợ đẻ vài chục đứa chít rồi hãy đi đâu thì đi!”


“Thằng quỷ con này, mày làm như Ngoại là yêu quái ấy. Sống chi mà lâu dữ vậy!”


“Sống có nhiêu đó mà lâu gì Ngoại, thế giới giờ đã có người sống hơn một trăm ba mươi tuổi rồi. Ngoại ít nhất cũng phải phá kỷ lục chứ!”


Nói đến đây thì bà tủm tỉm cười. Vì bà biết thời gian của mình còn ngắn lắm, kỷ lục của chính bản thân mình chưa biết đã phá được chưa nói chi kỷ lục của người khác. Nhưng vì ngắn nên bây giờ phải sống thật vui vẻ, buồn bã tuyệt vọng cũng chẳng được gì.

Mẹ tôi trước đây hay tới nhà cô Hoa chơi nên đối với Ngoại có một tình cảm quý mến đặc biệt. Từ ngày xuất viện về nhà tôi tịnh dưỡng, bà ngoại rất tỉnh táo, thường xuyên ngồi nói chuyện với tôi. Bà kể nhiều về em hồi đó và hỏi tôi về em bây giờ.

Mỗi khi như vậy, tôi hay nắm lấy tay bà khẽ xoa bóp để bà dễ chịu rồi từ từ kể từng chuyện một. Những chuyện buồn kể ngắn gọn một chút, những chuyện vui kể dài dòng một chút. Bà luôn lắng nghe rất chăm chú, xong thì xoa đầu tôi nói.


“Yunho à, cháu thật là một đứa trẻ ngoan!”


Thường thì tôi nghe chỉ cười thôi. Một đứa trẻ ngoan không biết có thể trở thành một người đàn ông tốt được không? Nhất là chưa kể tôi thấy mình hoàn toàn không phải là một đứa trẻ ngoan. Khi tôi lớn các mối quan hệ xung quanh tôi đều dần thay đổi. Tôi ít bám theo ba mẹ hơn, anh trai thì đi học xa, bạn bè gây gỗ cũng không ít. Đặc biệt là em, cái cách tôi với em liên kết nhau mới lạ lùng làm sao.

Chúng tôi vừa bước vào kì nghỉ hè. Tôi và em bắt tay vào dọn dẹp phòng, soạn ra những sách vở năm cũ không dùng nữa để cho qua bên nhà cô nhi của quận. Tuy rằng em không nhờ vả nhưng tôi vẫn xuống phòng phụ em phân loại đồ đạc và bỏ vào thùng các-tông. Mẹ tôi mua nhiều quần áo cho em kinh khủng. Hồi đó bà muốn sinh con gái mà cuối cùng chỉ được hai thằng con trai, đã vậy thằng nào thằng nấy mặt mũi cũng cứng ngắc (tôi tưởng người ta gọi cái đó là nam tính chứ). Ngày em về, thấy em mắt to môi hồng dễ thương nên bà nhất quyết không buông tha. Tuy rằng anh Duẫn hay làm ầm lên rằng em là con trai và mẹ đừng có mà cho em ấy mặc mấy bộ đồ vớ vẩn thì bà vẫn coi như không.

Tuy thế nhưng mẹ chọn đồ cho em rất đẹp. Nhìn xa em giống y chang hoàng tử trong các câu chuyện cổ tích. Còn tôi và anh Duẫn đi cạnh đóng vai hai thằng người hầu. Nhưng tôi chả bao giờ lấy làm phiền cả vì tôi luôn thích đứng đằng sau để làm những điều phía trước mình rạng rỡ hơn. Đó không phải vì tôi khiêm tốn, chỉ là công việc phải làm nền cho người khác thường khó hơn chuyện bạn tự mình nổi bật nhiều. Và tôi thích mấy chuyện khó khăn như vậy.

Những lúc mặc một bộ đồ mới em lại đi đến trước mặt tôi hỏi.


“Được không anh?”


“Ừm!”


Tôi ít khi tỏ ra thành thật hoàn toàn trước em. Giả bộ như trong lòng cảm thấy ‘rất đẹp’ hay ‘hợp với em lắm’ thì tôi cũng chỉ đơn giản nói ‘ừm’. Em được điểm cao, tôi xoa đầu rồi ‘ừm’. Em nấu ăn ngon, tôi thử rồi cũng ‘ừm’. Vậy mà em không hề thấy mích lòng, lúc nào cũng dùng đôi mắt to âu yếm nhìn tôi. Mỗi ngày em lớn lên, ánh nhìn của em lại nồng, lại sâu hơn một chút. Thật làm tôi yếu đuối.

Nhiều lúc tôi muốn mình được như ba, có thể nói những câu động viên rất tự nhiên. Nếu nói mẹ tôi là người phụ nữ tùy hứng thì ba tôi là người đàn ông chịu mở rộng trái tim mình mà đón nhận. Kể cả khi mẹ tự động quyết định nhận nuôi em, ông cũng không hề phản ứng gay gắt.

Đối với tôi, ông là một người ba tốt. Không như anh Duẫn suốt ngày dạy tôi những lý luận không giống ai, ba nói cho tôi về thế giới. Ông dẫn nhà tôi đi du lịch khắp nơi và chỉ cho tôi thấy cuộc sống này, cách vạn vật vận hành cũng như vì sao mà nó phải như vậy.

Ông cũng là người nói cho tôi biết mỗi người trên thế giới này yêu thương theo một cách khác nhau. Tôi đừng nên vì vậy mà đánh giá sai về người khác. Hãy thật sự nghĩ cho họ thay vì chỉ phán xét suông. Sống một cuộc sống bao dung và lương thiện không phải là yếu đuối. Nó còn hơn cả sự mạnh mẽ.

Ba tôi làm việc tại gia phần nhiều nhưng các dự án làm ăn của ông thì rất lớn. Đó là lý do ông thường xuyên ở nhà mà gia đình tôi vẫn rất khá giả.

Mối quan hệ của ba tôi với anh Duẫn rất tốt. Lúc đầu anh muốn đi du học. Nhưng mẹ phản đối rất kịch liệt. Ba đã cố nói chuyện nhưng mẹ vẫn kiên quyết giữ nguyên ý định của mình. Bà nói dù nhìn thế nào thì bà cũng chưa đủ mạnh mẽ đến độ có thể xa con một lúc vài năm. Nhưng sự thật là anh hai tôi cũng lớn rồi đâu thể nhốt ru rú ở nhà mãi được.

Chiến tranh giữa ba và mẹ diễn ra cả tháng trời. Trước giờ ba tôi luôn nhường nhịn mẹ. Ông kiên nhẫn lắng nghe các lý do dẫn đến hành động của vợ mình và nhẹ nhàng chấp nhận. Tóm lại, ông rất trân trọng bạn đời. Ông dạy chúng tôi là phải nghe lời mẹ. Đặc biệt ông không thích cách mấy thằng con trai gọi mẹ chúng là ‘bà già này’, ‘bà già nọ’. Từ lúc cưới nhau đến giờ, ông chưa hề đánh vợ dù chỉ là một cái tát nhẹ. Vì vậy chúng tôi là con cũng phải biết tôn trọng mẹ mình. Và hơn hết sau này cũng phải biết tôn trọng người phụ nữ của mình.

Nhưng dĩ nhiên không có cặp vợ chồng nào mà không có bất đồng. Nhất là khi liên quan đến vấn đề con cái. Khoảng thời gian đó nhà tôi có bếp cũng như không, chẳng ai nấu ăn. Ba cha con suốt ngày phải ra cơm tiệm rồi về nhà leo vào phòng. Đến cuối cùng thì chiến tranh cũng hạ nhiệt khi hai vợ chồng mỗi người nhịn một bước, anh trai tôi được quyền đi học xa nhà nhưng chỉ trong khuôn khổ nước Việt Nam mà thôi.

Đối với con cái, ba tôi khá dễ chịu. Đặc biệt là cách ông đón nhận em. Nó bình thản và tự nhiên đến không ngờ. Những tối hồi đó khi em khóc ông đều lên giúp mẹ bồng em xuống dưới phòng. Đã lâu rồi ông không còn bồng bế tôi với anh Duẫn nữa, dám từ ngày chúng tôi lên lớp ba vì hai đứa to con lớn xác quá. Do đó khi thấy cảnh ông bồng em gầy nhom, ốm yếu trong lòng tôi trồi lên cảm giác họ như một cặp cha con thật sự.

Ba tôi luôn biết cách khen ngợi mà không quá lố. Như mỗi lần em làm tốt một cái gì đó thì ông lại xoa đầu và nói.


“Quá đỉnh!”


Hễ vừa ý cái gì là ông lại khen như thế, chẳng phải cái kiểu cứ ‘ừm ừm’ lạnh tanh như tôi. Bởi vậy mà ba có được niềm tin từ em rất nhanh chóng. Cứ thắc mắc em đều chạy đến hỏi ông, mỗi sáng đều nhờ ông chở đi học…

Tôi luôn muốn sau này lớn lên mình có thể được như ba, là một người đàn ông bình tĩnh, vui vẻ và không ích kỉ. Nhưng tôi không biết làm sao để được như vậy trong khi bản thân cứ nghĩ nhiều làm ít thế này.

Chưa kể tính cách rõ ràng là rất nhỏ nhen của tôi.

Cái hôm dọn phòng đó, khi xuống phụ em xếp lại đống giấy kiểm tra cũ để đem đi bán ve chai thì có điện thoại. Em chạy đi nghe còn tôi ở lại tiếp tục làm việc.

Trên bàn học em có xếp sẵn một xấp những bài mà em không muốn quăng đi. Tôi theo quán tính với lấy rồi xem sơ sơ qua. Đa số trong đó là bài tập làm văn. Đề bài hãy viết về người phụ nữ em quý mến, em viết về cô Hoa và mẹ. Nghề nghiệp em thích nhất em viết về nhà văn. Chuyến đi chơi đáng nhớ thì là lúc đi câu cá cùng ba. Cuối cùng là đề bài mẹ từng bắt tôi chỉ em, tả về người anh/chị em trong gia đình. Em viết về anh Duẫn.

Trong đó cũng có thêm một vài bài về ông bà và bạn bè nhưng hiển nhiên không có bài nào về tôi cả. Một chữ cũng không. Không hiểu sao tôi thấy thất vọng ghê gớm. Tôi cũng là anh trai của em nhưng cuối cùng thì không hề xuất hiện trong thế giới quan của em dù chỉ là một khoảnh khắc. Hay là do tôi quá hờ hững nên em cảm thấy chán ghét?

Dù rằng tôi cũng biết trước dù em có viết về một thành viên trong gia đình thì em cũng không viết về tôi. Nhưng cảm giác ghen tỵ vô cớ vẫn dâng lên. Nhất là khi tôi đọc được dòng em viết rằng anh Duẫn là người tình cảm, luôn canh cho em ngủ trưa. Còn tôi thì sao, em không hề nhìn thấy tôi phải không?

Cả người tôi lặng đi, ngồi im lìm cho đến lúc em trở lại. Nét mặt tươi tắn hớn hở, em ngồi xuống cạnh tôi rồi thông báo.


“Anh Duẫn vừa gọi về, ảnh nói là hết học kì này sẽ về nhà chơi một tuần!” Tôi im re không trả lời.


Em không nhận ra thái độ không vui của tôi vẫn tiếp tục làm công việc thu xếp của mình. Được một lúc sau thì mẹ đi lên phòng và khoanh tay nói.


“Thằng Duẫn có bạn gái rồi!”


“Sao ạ?” Em ngước lên hỏi.


“Lúc nãy con lên lầu, mẹ nói chuyện với nó, nghe tiếng con gái bên cạnh!”


Thế là chủ đề kéo qua chuyện anh Duẫn và bồ. Mẹ hỏi tôi với em từng chút một xem dạo gần đây anh Duẫn gọi về có gì lạ không. Em thì mẹ hỏi gì trả lời nấy, riêng tôi có chút bực. Đến lúc không kiềm được nữa tôi buột miệng một câu.


“Làm sao con biết được!”


Thấy tôi tỏ vẻ nặng nhẹ, mẹ với em rất ngạc nhiên. Bà khoanh tay nhìn tôi chậm rãi hỏi.


“Con bị sao vậy?”


“Thì con không biết thôi. Mẹ với em dọn tiếp nhé, con chạy đi mua chút đồ!”


Lúc quay đi tôi nhìn lại lần cuối thấy được ánh mắt em nhìn tôi sao mà xa lạ. Tôi bây giờ có lẽ khác tôi ngày thường lắm. Vì vậy em nào có nghe thấy tôi nữa, nào có nhìn thấy tôi nữa. Thật đáng buồn.



---o0TBC0o---

Chap 6 Preview:

Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác mất mát thật sự lần nào trong đời, nên có lẽ tôi sẽ không bao giờ hiểu được nỗi đau bây giờ của em. Vậy mà không chịu lắng nghe những phiền muộn em không nói ra. Nói thật, bản tính vô tâm của tôi dù có lớn lên cũng không chừa được. Vì vậy mà chẳng bằng anh Duẫn, cũng chẳng thể được như ba.
=> Đọc tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét