Xin hãy nghe Soundtrack khi đọc Fic ;-;
Năm em lên lớp tám, tôi bước vào mười một thì cũng là lúc anh Duẫn dở đồ đi học đại học. Trước ngày anh đi mẹ tôi vừa xếp đồ cho anh vừa khóc. Dù rằng bà ở trong phòng và khóa cửa lại nhưng cà nhà tôi ai cũng biết cả.
Lúc đó cũng là lúc tôi quyết định mình sẽ không đi học ở đâu xa nhà. Nếu cả tôi cũng nhanh chóng rời khỏi đây, ba mẹ sẽ thiếu đi một người đỡ đần, chưa kể anh Duẫn cũng sẽ lo lắng. Nếu anh đi thì tôi tốt nhất nên ở nhà thay anh chăm sóc cho ba mẹ. Anh hai có nhiều lý tưởng hơn tôi, vì vậy bản thân tôi cũng nghĩ mình nên giúp anh có cơ hội đi ra thế giới bên ngoài.
Còn nữa là tôi không nỡ bỏ em lại. Cứ nghĩ tới chuyện em bạn bè chẳng có, phải thường xuyên thui thủi một mình vào những ngày ba mẹ đi làm, ban đêm không ai bên cạnh canh cho ngủ thì thử hỏi làm sao mà tôi đi được?
Mới mấy hôm trước nhà tôi vừa nhận được tin bà ngoại em ngã bệnh nặng. Hình ảnh em khi nghe tin ấy như thể tấm kính vỡ tan nát ra. Khuôn mặt tái mét lại, chạy lên lầu nhờ tôi chở đến bệnh viện.
Cái tôi ngạc nhiên đó chính là có đến hơn ba nhân viên điều dưỡng tại đó nhận ra em. Thậm chí còn gọi lại hỏi thăm. Tất cả đều có chung một câu cảm thán ‘A! Jaejoong phải không?’
Trong lòng tôi nỗi lên một cơn bão lo âu kì lạ. Nói thật là gia đình tôi biết rất ít về quá khứ của em. Hơn hết là chúng tôi không dám hỏi thẳng. Mỗi lần gợi chuyện thì em lại im bặt, đôi mắt đẹp đẽ đảo lơ đi nơi khác. Tôi ôm theo suy nghĩ đó cho đến lúc vào đến giường bệnh của bà em. Nói thật, trước đến giờ tôi ghét nhìn cảnh con nít hay người già phải loay hoay một mình. Thứ nhất là người thân của họ đâu mà lại để ba mẹ/con cái của mình bơ vơ nguy hiểm như vậy. Thứ hai là vì sự ích kỉ của bản thân mình. Vì tôi biết hễ đã nhìn thấy rồi thì tôi sẽ để tâm lo lắng nhưng lại không làm gì được. Thật khó chịu.
Vì vậy khi nhìn thấy hình dáng bà em gầy ốm nằm ngủ trên giường bệnh, tôi thấy mình càng vô vọng hơn trong việc giúp đỡ.
Em cứ ngồi ngẩn ngơ bên cạnh bà từ lúc vào thăm tới tận chiều. Chưa đầy mười bốn tuổi mà em của tôi đã dần đánh mất hết những người thân của mình. Khắc nghiệt đến độ không thể mở miệng ra trách một câu.
Hôm ấy tôi gọi điện thoại cho mẹ nhờ bà thu xếp đồ đạc của em, rồi tôi sẽ chạy về nhà lấy. Nhìn em bây giờ tôi biết có nói thế nào cũng không ra khỏi bệnh viện nửa bước, tốt nhất là nên để em ở đây bao lâu em muốn. Chỉ trách bản thân tôi cái gì cũng nghĩ trong lòng còn hành động thì chậm chạp hơn người ta. Thay vì tiến lên phía trước ôm em dỗ dành thì lại làm thinh, ra sau gọi điện thoại về nhà cho mẹ.
Từ lúc bước vào trong bệnh viện thì em không nói gì nữa, thậm chí cũng chẳng rớt một giọt nước mắt. Từ hôm tôi nói em đừng khóc nữa thì em không khóc thật. Thậm chí lên trường bị bạn bè chơi xấu đẩy ngã trầy trụa khắp người em cũng không khóc. Nhưng tôi thì không như em. Giây phút nghe có người ăn hiếp em người tôi như sôi lên, phóng thẳng lên trường canh xem cái lũ nhóc ấy là ai mà dám làm em đau. Con nít ngày nay thật kì cục, sao chúng lại cứ thích làm đau bạn bè của mình cơ chứ. Chỉ có những con yêu tinh mới xấu tính như vậy. Có ba có mẹ sinh ra yêu thương, người không học làm, sao lại cứ muốn trở thành giống yêu tinh đen tối cơ chứ.
Nhưng hình như tôi đã lầm một số chuyện. Vì em không phải là một cá thể bình thường tồn tại trong vũ trụ này. Em đối xử với vạn vật khác với với cách người ta cảm nhận.
Mấy đứa nhóc đó mới là tội nghiệp. Chúng bị em lạnh lùng tàn nhẫn đến độ cả một chút thái độ quan tâm nhỏ nhất, em cũng chẳng dành cho chúng. Chúng nó châm chọc em, đẩy hớt em nhưng đến khi em quay qua nhìn chúng. Cả bọn lại sợ đến cứng cả người lại. Em cứ như vậy im lặng và nhìn mãi, đến khi bọn nhóc hết chịu nổi thì sẽ tự động cong giò bỏ chạy.
Khi về đến nhà em bị anh Duẫn lôi ra nạt một trận tới tấp vì tội dám giấu chuyện bị bạn bè bắt nạt.
“Em không có giấu, em có bị ai bắt nạt đâu!”
Em bình thản trả lời. Trái ngược hoàn toàn với vẻ nóng giận không giấu diếm của anh Duẫn.
“Chúng nó làm em trầy xước khắp người kia kìa!”
“Vẫn chưa phải là điều tệ nhất. Em không thấy sợ tí nào!”
Em không tủi thân, không sợ càng không khóc. Đó chính là cái đáng buồn. Em nói như thể đó chưa phải là điều tệ nhất em từng gặp. Như vậy thì chuyện tệ nhất em từng gặp là gì?
Thật ra tôi luôn muốn em có thể thôi cái thói cư xử ấy đi. Nó làm tôi đau lòng khi nghĩ đến. Em hãy cứ dựa dẫm một chút vào cái nhà này, làm nũng với tôi, anh Duẫn hay ba mẹ. Nhưng em không bao giờ như vậy cả. Vẫn cứ rào mình lại trong hòn đảo bí ẩn. Không bước ra cũng không cho ai bước vào.
Đó là cho đến khi tôi cùng em vào bệnh viện chăm bà. Khi đi xuống bãi đậu xe tôi thấy những điều dưỡng viên đứng nói chuyện cùng nhau. Những chị gái đó đều quen biết với em. Nó làm dấy lên trong tôi suy nghĩ mơ hồ rằng đã có chuyện gì đó liên quan đến em trong quá khứ mà họ biết được.
Nếu bây giờ tôi lại đó hỏi sẽ giống như cố gắng đào bới về đời tư của em mà chưa biết mình được phép hay không. Tính tôi lúc nào cũng chần chừ nghĩ ngợi như thế, bởi vậy mà cái gì cũng chậm hơn người ta, lâu hơn người ta.
“Nghe nói là mất rồi. Cả ba lẫn mẹ, chết cháy thì phải!”
Tôi bắt theo được câu chuyện khi nghe đến đây. Tôi đứng ở phía bên kia vách tường giáp với họ, đứng suy nghĩ một hồi lại thành ra nghe hết được câu chuyện. Nhưng cái tôi không ngờ đó chính là điều tôi nghe được thật chẳng vui vẻ gì.
Khi cảm thấy bản thân không còn chịu đựng được những sự thật phũ phàng nữa, tôi vội vã băng qua hành lang trước mặt bỏ lại cảnh tượng sau lưng. Lái xe về nhà mà tôi tưởng tôi ngồi trên mây đu đưa đâu đó giữa bầu trời.
Mẹ đón tôi ở nhà bằng khuôn mặt rất lo lắng. Bà hỏi xem rốt cuộc mọi chuyện ra sao rồi, em vẫn ổn chứ, bác sĩ nói gì. Tôi trả lời như cái máy đại khái vài chi tiết chính rồi ngồi phịch xuống ghế sô-pha.
“Mẹ, mẹ có biết ba của Jaejoong... ba của em ấy bị tâm thần không?”
Đó là một chứng bệnh mà những điều dưỡng viên nói bằng ngôn ngữ chuyên môn tôi không nhớ được. Nhưng tôi biết nó là một dạng tâm thần nhẹ. Ba của em là một nhà văn khá có tiếng trong giới, gia đình cũng dạng có quyền thế nhưng do tính tình kì quặc nên bị người nhà tống lên tận vùng đồi núi ở. Hằng ngày có người của bệnh viện đến chăm sóc, cho uống thuốc.
Cô Hoa là đi du khảo mà gặp được ông. Cuối cùng chấp nhận ở lại luôn cái khỉ ho cò gáy cùng ông bầu bạn. Lúc bình thường, ba của em tỉnh táo và trầm lặng. Là người không thích nói chuyện cũng không thích tiếp xúc với ai. Ông chỉ đặc biệt dành tình cảm cho cô Hoa với em. Người ta nói nếu cô Hoa không xuất hiện dám ông ấy sẽ cô đơn suốt đời. Sống ở cái xó này, chết ở cái xó này.
Lúc bình thường, ông hay ngồi đánh bản thảo. Khi em đi học về thì ra chơi với em. Nói cho chơi chứ thật ra toàn là ông ngồi im nhìn em chơi một mình. Thấy em dễ thương nên mấy chị điều dưỡng viên thích lắm, hay lại nựng nịu với cho bánh kẹo. Họ còn dạy em nấu cơm. Mỗi khi hè tới, được nghỉ học, em không chịu qua nhà bà Ngoại nhiều nữa mà muốn ở với ba mẹ. Buổi sáng khi mẹ đi làm, có nấu đồ ăn sẵn để lại, nhưng vẫn lo lắng ba em phát bệnh thì nguy. Nên từ nhỏ em đã quen với việc tự ăn khi đến bữa, tự đi tắm khi đến cử, mẹ bận thì cũng biết tự nấu nướng.
Ba em những lúc mơ màng thường không biết ai là ai, nhốt mình trong phòng đập phá hoặc nổi giận đuổi hai mẹ con em ra khỏi nhà. Có những hôm nặng hơn, ông còn đánh cả cô Hoa và em. Khi tỉnh ra, ông quá thất vọng mà nhốt mình trong phòng không ra ngoài.
Căn bệnh ấy xảy ra bất chợt, không rõ thời gian kéo dài. Nhưng nghe đâu càng cố gắng chữa thì lại càng tệ hơn. Thậm chí ba em đã nhiều lần đòi li dị nhưng cô Hoa không chịu, còn nói nếu ông dám bỏ hai mẹ con thì sẽ đi tự tử.
Cuộc sống trước đây của em là như thế. Thật không tài nào tưởng tượng ra được. Không biết phải nên tội nghiệp hay làm lơ đi.
Hôm ấy tôi chở mẹ lên bệnh viện phụ em trông bà. Thấy cái vẻ câm lặng đến hiu hắt của em mà tôi cảm tưởng trái tim mình như bị kéo đi. Đáng lẽ ra ngày ấy tôi không nên nói em đừng khóc nữa. Đáng lẽ ra tôi chỉ nên nói nín khóc đi là được rồi. Người ta không được khóc thì tàn nhẫn lắm.
Đến buổi tối, tôi chở mẹ về lại nhà rồi leo lên lầu lấy quần áo cùng cặp táp. Đêm nay tôi sẽ ở lại bệnh viện với em, sáng mai dậy thì đi thẳng đến trường luôn. Bệnh viện chỉ cho một người ở lại mà như tôi đã bảo, em thà chết chứ không đi đâu hết. Mẹ tôi lúc đầu tính sẽ ở cùng em mà vì tôi năn nỉ nên cuối cùng, bà nhường cho tôi ở lại.
Khuôn mặt mẹ bỗng nhiên tối sầm từ lúc ở bệnh viện về. Bà cũng không nói gì, chỉ lẵng lặng giúp tôi lấy quần áo.
Lúc tôi ra xe, sắp nổ máy đi rồi thì thấy mẹ ra ngoài đóng cửa, nước mắt rớt không ngớt.
“Sao vậy mẹ?” Tôi cuống cả lên, gác chống rồi bước xuống đỡ bà.
“Chúng bây rồi cũng bỏ cái nhà này đi hết mà!”
Mẹ trách một câu tôi lạnh cả người. ‘Chúng bây’ là ngoài anh Duẫn ra rồi còn ai nữa?
---o0TBC0o----
Chap 5 Preview:
=> Đọc tiếpYêu là cái thứ xa xỉ cho độ tuổi của tôi.
Mười bảy tuổi, tôi chỉ được mến các bạn nữ, quậy phá cùng các bạn nam, cãi lời ba mẹ như bao thanh thiếu niên khác. Tôi chưa có quyền vội yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét