Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

À ơi [Chap 3]


3.




Bài ru của mẹ tôi thường ngắc khúc và chả rõ ràng ngữ nghĩa gì. Bà nói là của ngoại hay ru ngày bé. Hồi ấy nhà ngoại gần sông, mỗi chiều nước lên nằm trên võng nghe ngoại ca mà buồn lắm. Ngoại nói ‘À ơi’ còn có nghĩa là ‘Mình ơi’ nữa. Ông ngoại hy sinh trên chiến trường nên ngoại ca mãi cái khúc ru kì quặc ấy. À ơi à ơi, gọi chồng, đợi chồng.

Tôi không nhớ hết những lời của bài hát, chỉ biết nó là những đoạn nhạc rất ngắn với tiết tấu lập đi lập lại. Mỗi lần lập lại là mỗi lời ‘À ơi’ khác nhau. Là con cò chờ tin người phụ bạc, là mảnh trăng đầu đình tìm hình dáng người con trai tát nước đêm khuya, là người vợ lẻ uống rượu vì chồng chẳng bao giờ ghé thăm. Đôi lúc lại là tâm tình một người con gái nhớ nhung người thương hay một người con trai làm lụng dành dụm tiền ra Giêng cưới vợ.

‘À ơi’, như tiếng gọi, tiếng than, tiếng nhớ thương của vạn vật trên thế gian này. Được hát lên từ những thế hệ trước truyền tới bà, tới mẹ, tới tôi rồi sẽ còn mãi về những ngày sau này.


“Yunho con hãy giúp Jaejoong làm phần tập làm văn đi!”


Mẹ đã ra tối hậu thư vào một ngày chủ nhật. Tôi lúc ấy đang ôm lấy mấy cuốn tạp chí còn em thì ngồi ở bàn học ngẩn ra.


“Sao ạ?”


“Sao con lúc nào cũng tỏ vẻ lạnh nhạt với em nó thế. Jaejoong vào nhà mình cả năm hơn rồi, con hãy tập coi em nó là người trong gia đình đi chứ!”


Bà kéo tôi qua một bên rồi nói nhỏ vào tai. Tôi không biết phải đáp lại bà thế nào. Không thể lại nói thật ra em và tôi rất gần gũi chỉ là mẹ không biết mà thôi. Thay vì phải giải thích lằng nhằng như vậy tôi chỉ đơn giản gật đầu một cái rồi đi về phía bàn học của em.

Trái với sự lo lắng trong lòng mẹ, em hoàn toàn bình thản với đống bài tập cũng như với tôi. Tập làm văn chưa bao giờ thật sự là sở trường của tôi cả. Tôi chỉ làm theo khung sườn, đổ thêm vài câu từ nghe được được một chút rồi thêm phần bài học vào. Xong.

Cầm giờ giấy đôi trong trên bàn lên, tôi đọc đề bài lần này của em. ‘Hãy miêu tả về một người anh/chị lớn tuổi hơn trong gia đình”. Tự nhiên trong lòng tôi chợt nghĩ em sẽ chẳng bao giờ viết về tôi cả. Em sẽ viết về anh Duẫn. Chắc chắn là như vậy.


“Anh nói thật là anh dở tập làm văn lắm!” Tôi nói với em, một tay chống cằm.


“Anh có giữ những bài kiểm tra cũ không?” Em hỏi lại.


“Có, em muốn lấy tham khảo hả? Anh viết thấy gớm!”


“Cứ đưa em coi thử đi!”


Thế là tôi đi lục lại toàn bộ đống sách tập cũ của mình và đưa hết cho em. Dù chỉ mới lớp bảy nhưng nét u buồn nơi em làm em trưởng thành hơn so với tuổi. Cái vẻ già dặn buồn bã. Em vẫn ít khi mỉm cười, thường xuyên ngồi ngây ra và nói những điều xa xôi khó hiểu.

Mẹ tôi luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt. Thậm chí nhiều lúc tôi có cảm giác như em mới là đứa con mẹ đứt ruột đẻ ra còn tôi với anh trai là con rơi con rớt đâu đó nhặt về. Mẹ o bế từng chút nơi em như một nàng công chúa và sợ em sẽ bị vỡ tan bởi bất kỳ tác nhân nào dù là nhỏ nhất.

Ba và hai anh em tôi rất không thích kiểu nuôi dạy con trai như vậy, lớn lên chúng sẽ ỷ lại ẻo lả chả ra gì. Nhưng chỉ riêng với em thì không sao nói nên lời. Dù được mẹ tôi ôm vào lòng thì em vẫn như đang trôi vào một chiều không gian khác. Dù được mọi người nâng niu nhưng vẫn cảm thấy bao trùm em là vô vàn đớn đau. Không bao bọc cẩn thận thì em sẽ ngay lập tức tiêu biến vào không khí, sẽ ngã rũ như bông hoa mùa hạn. Không ai biết, không ai hay.

Em gần như không mãnh liệt với bất kì điều gì trừ nỗi buồn. Hạnh phúc nơi em tồn tại sao mà yếu ớt, sao mà mong manh.

Mẹ tôi cũng vì muốn em cười mà thường xuyên bày ra đủ thứ trò không tài nào hiểu được, thậm chí vô cùng ngớ ngẩn.

Ba tôi đã khuyên mẹ rằng tất cả đều cần có thời gian, cuộc sống trước đây của em chúng tôi không ai biết rõ cả. Bản thân em cũng chưa bao giờ nhắc về ba mẹ ruột của mình. Không thể cứ bắt em sống thật vui vẻ khi em chưa sẵn sàng được.


“Sống vui vẻ một chút thì có gì sai chứ? Chẳng lẽ cứ phải nhìn con nó buồn bã ủ dột mãi thì mới được sao?!” Cuối cùng, mẹ tôi vẫn tiếp tục bảo vệ những lý luận của mình mặc cho chồng có khuyên bảo thế nào.


Ngay từ đầu như tôi đã nói, mẹ là người phụ nữ luôn biết mình muốn cái gì. Một khi bà đã thấy nó là đúng, bà sẽ cố chấp đến cùng. Tùy hứng lên muốn làm rồi thì sẽ làm cho bằng được. Thậm chí cả nhà tôi không ai có thể ngăn.


“Khi em nhận nuôi Jaejoong, người ta nói em là đồ giả dối. Mấy người đó thật vớ vẩn! Làm việc tốt thì có gì sai chứ. Tốt với mọi người một chút cũng không được sao? Sống trên đời này phải độc ác tàn nhẫn với nhau thì mới hả dạ chắc!”


“Em chỉ muốn Jaejoong nó cảm thấy hạnh phúc, có thể cười nhiều một chút. Em làm vậy thì có gì sai? Tại sao cả anh cũng phản đối em? Em đã làm gì để cả nhà này phản đối em cơ chứ?!”


Khi mẹ nói những điều này thì cũng tức là ba tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Dẫu sao thì mẹ trước giờ đã là người bao đồng và cảm tính như thế rồi. Những khi bà bắt đầu trách móc, tôi cùng anh Duẫn chỉ có thể thở dài. Em thì khác, em xuất hiện và đến ngồi cùng mẹ.


“Hôm nay con nấu cơm nhé?”


Em hỏi câu đó khi muốn mẹ tôi nằm nghỉ. Từ ngày về nhà tôi thì em đã biết nấu ăn rồi. Tôi không tài hiểu được. Tôi lớn hơn em ba tuổi luộc trái trứng còn không biết canh nước. Em thì đã biết lặt rau, bắt cơm và nấu mấy món đơn giản. Mẹ tôi thấy vậy có hỏi là ai dạy cho em thì em nói mấy chị dạy. Jaejoong là con một của cô Hoa. Tôi không hiểu mấy-chị mà em nói là mấy-chị nào.

Mẹ khá lo lắng về những ngày trước đây em sống cùng ba mẹ. Ba của em là người rất cổ quái. Mẹ chưa bao giờ biết được nghề nghiệp thực sự của ông ta là gì. Có vài lần mẹ đến nhà cô Hoa chơi thì gặp ba em đang ngồi trên bàn máy tính đánh lộc cộc. Cô Hoa nói cứ mặc kệ vì khi chồng cô đã làm việc rồi thì sẽ không màng đến gì trên đời này.

Theo trí nhớ của mẹ, ba em là một người đàn ông đẹp trai và u ám. Mái tóc đen cùng đôi mắt sâu đến kì quái. Quầng thâm dưới mắt luôn rõ ràng cùng cái mũi hơi gãy. Nước da ông ta trắng nhợt. Lần nào mẹ nhìn thấy cũng là cái màu tai tái thiếu sức sống ấy. Mặc cho vẻ ngoài ảm đạm như vậy, ba của em vẫn rất đẹp, như được đẽo ra từ tượng đá.

Ngày ra trường, mẹ tôi với cô Hoa mất liên lạc. Ba bốn năm sau gặp lại thì cô bạn mới báo lấy chồng rồi. Khó khăn lắm mẹ mới có dịp leo lên tận đồi núi mà thăm gia đình cô. Mẹ có hỏi vì sao cô Hoa lại yêu một người như vậy. Có cảm giác kì quặc và không tài nào hiểu nổi.


“Tớ yêu anh ấy vì anh ấy cô đơn!”


Cô Hoa trả lời như vậy và mỉm cười. Mẹ nói cô ấy đẹp vô cùng, là một người phụ nữ nhạy cảm và thông minh. Cuối cùng thì lại chịu gắn bó cuộc đời mình với một người chồng lạ lùng. Dù là vậy nhưng hình như cô đã sống rất hạnh phúc.

Chỉ có điều em lại giống ba, trầm lặng và khó đoán.

Nói thật, tôi ghét cái cảm giác nhìn em chơ vơ giữa hòn đảo cô đơn của mình. Như thể em có thể yên lặng mà sống trong cái bóng tối đó suốt đời, không cần ai cả. Tôi cũng có mong ước giống mẹ nhưng mà mãnh liệt hơn. Em sao lại có cái quyền muốn sống sao thì sống như vậy được. Cuộc đời này không trao đến em chỉ để em chịu trận như thế.


“Hôm nay mẹ với Jaejoong đừng nấu, để hai anh em con và ba nấu cho!”


Tôi nói mà mọi người trong nhà đều mở to mắt ra nhìn. Một chuyện vô cùng nhỏ nhặt nhưng khi được thực hiện lại tạo ra một phản ứng mãnh liệt như vậy.

Mẹ tôi nhanh chóng tán đồng ý kiến đó, nắm tay của em dắt ra phòng khách nằm coi phim còn ba bố con tôi thì đẩy vào nhà bếp sống chết ra sao cũng được. Đến lúc ấy anh Duẫn mới lên giọng cằn nhằn vì anh chả biết nấu cái ‘khỉ-khô-gì-cả’ (nguyên văn anh nói).


“Em muốn để mẹ với Jaejoong thoải mái một bữa!”


“Ăn mấy món dở ẹc mình nấu thì thoải mái lắm ấy!”


Tôi cười cười không đáp, mắt mãi lo hướng ra ngoài tìm xem mẹ với em sao rồi. Đúng như mong đợi của tôi mẹ bật đĩa ca nhạc kịch hải ngoại rồi cùng em ngồi coi rất vui vẻ. Trong gia đình, người gần gũi với em nhất có lẽ chính là mẹ. Bà là người đã cứu thoát cho em mỗi đêm khóc lóc đến lả đi. Tôi vẫn còn nhớ dáng người vội vã của bà khi chạy lên lầu ôm chầm lấy em, dùng đôi bàn tay của mình xoa lưng em và nhẹ giọng dỗ dành. Tiếp theo đó là những câu ca ‘À ơi’ kì lạ vang lên trong bóng tối. Mẹ tôi sẽ cứ hát cho đến khi em chìm vào giấc ngủ, đến khi em ngưng đi nỗi sợ hãi vô cớ mỗi đêm thức giấc nhận ra mình chỉ có một mình.

Nhớ đến những ngày có nửa đêm dài đằng đẵng đó tôi lại thấy đau lòng. Tôi thật sự ngưỡng mộ tấm lòng của mẹ mình khi bà đã yêu thương em như vậy. Chưa bao giờ bà tạo cho chúng tôi cảm giác em chỉ là đứa con nuôi. Mẹ luôn bênh vực em và sẵn sàng la mắng chúng tôi nếu dám làm gì em buồn. Nhưng dĩ nhiên là chuyện đó hiếm khi nào xảy ra. Có chăng là em luôn buồn bã sẵn rồi và chúng tôi không thể làm gì để thay đổi được.

Ngoài đi học, đa phần em dành thời gian ở nhà để bám theo mẹ tôi. Em gọi bà là ‘dì’. Điều đó không làm bà thất vọng vì dẫu sao với em cô Hoa mới là mẹ. Nhưng tôi biết em rất thương bà. Vậy cũng tốt, trên một phương diện nào đó chúng tôi đã dần trở thành một gia đình thật sự.

Nhưng là ‘trên một phương diện nào đó’. Vì ngay bây giờ đây, khi tôi ngước lên nhìn lại phòng khách lần nữa thì em cũng đang quay về phía tôi. Ánh mắt chan chứa thật nhiều cảm xúc. Em nhìn mãi, nhìn mãi như thể em có thể nhìn tôi như vậy suốt hàng trăm, hàng ngàn năm nữa. Thật êm ái. Thật thiết tha. Tôi đành mỉm cười với em rồi vờ cúi đầu làm tiếp. Trong lòng chợt trồi lên suy nghĩ liệu em sẽ cứ nhìn tôi như vậy cho đến cuối cùng của cuộc đời chứ?


Hôm ấy ngoại trừ cơm được nấu bằng nồi cơm điện ra, tất cả các món còn lại đều rất thê thảm. Tôi chiên trứng thì bấy nhầy. Anh Duẫn đun canh quá lâu làm phần rau mềm nhũn nát bã. Có ba nướng thịt là đỡ nhất nhưng bày ra một bãi chiến trường dọn mất cả nửa tiếng đồng hồ.

Nhìn em gắp mấy miếng trứng chiên xấu xí của mình, tôi thấy ê mặt kinh khủng. Lấy đũa gạt đũa em ra, tôi nói thôi để tôi tự ăn cái phần thất bại này. Thế là em ngơ ngác nhìn tôi như thể tôi vừa từ chối em cái chuyện gì khủng khiếp lắm.

Thấy em tiu nghỉu đến tội nghiệp, đầu tôi ngay lập tức trống rỗng, đẩy đĩa trứng gần lại cho em dễ gắp. Thấy hai đứa tôi hòa thuận, mẹ vui vẻ đến quên cả chuyện lúc nãy mình vừa nổi giận như thế nào.

Buổi tối hôm đó cả nhà không ai đau bụng. Thật may mắn. Em ngồi cạnh tôi trên ghế sô-pha cùng mọi người coi tivi. Đến cảnh hai nhân vật chính nắm tay nhau chạy trốn khỏi ngôi nhà phong kiến thì em bỗng dưng nhúc nhích không ngừng.

Bàn tay với mấy ngón ngắn và múp cứ lần tìm gì đó. Cuối cùng tôi không biết em muốn cái gì nên liền để rì-mốt tivi xuống quay sang nhìn em. Đúng lúc đó em cũng đang nhìn tôi. Ánh mắt giao nhau.

Tôi với em là hai cá thể kì lạ. Dường như chúng tôi không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với nhau. Em nhìn tôi và tôi cứ thế im lặng.

Bộ phim trên tivi vẫn đang vào cảnh thật lâm li bi đát nhưng em chẳng còn để tâm vào màn hình nữa. Em cứ nhìn mãi vào tôi như thể đang thôi miên vậy. Khi em nhìn tôi, đôi mắt của em có thể buồn hơn mọi cơn mưa, đẹp hơn mọi hạt nắng trên thế giới này. Nó làm tôi thấy trong mình rung lên cái tình cảm khó diễn tả.

Vẫn im lặng, tôi nhẹ nhàng hạ tay xuống mặt ghế sô pha, làm như chẳng có gì, từ từ di chuyển rồi nhẹ nắm lấy tay em. Không có bất kỳ điều gì lý giải cho hành động này cả chỉ đơn giản tôi biết em muốn như vậy.

Đáp lại cho tôi lúc đó không còn là ánh nhìn nữa, em đã quay về phía màn hình tivi. Bàn tay vẫn nằm gọn trong bàn tay tôi.

Suốt hơn một năm, cuối cùng cũng thấy em mỉm cười.




---o0TBC0o---


Chap 4 Preview:


=> Đọc tiếp

2 nhận xét:

  1. ui không biết lần này có comment đc không nữa T^T
    đọc 2 chap đầu đã thấy khó chịu lắm rồi, mãi 2 bé không lớn, nhưng có vẻ chap 4 hứa hẹn lắm đây :))

    Trả lờiXóa
  2. Hay thật, gần 11h đêm, sau khi có một chút xích mích nhỏ với bố, em cầm điện thoại nghe nhạc, xong ngẫm nghĩ thế nào lại bật blog của chị lên đọc một số chuyện. Run rủi thế nào ấn vào chuyện này rồi đọc . Vừa lúc đến chap này,em đang đọc phần giải thích về "à ơi" thì đúng lúc ngay bên tai mp3 văng vẳng câu "à ơi cây cải lên trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay", thật trùng hợp :)) Từ bài hát Quê nhà ấy ạ, bản của Trần Thu Hà ấy ạ ^^ Nó làm em nghĩ về một số chuyện, về gia đình em, về quá khứ... Nhất là về bà em, bà nội em mất cách đây mấy tuần. Hồi nhỏ em hay đòi bà hát ru, tuy toàn lộn xộn do trí nhớ bà không được tốt lắm, nhưng thực sự tuổi thơ của em được bà nuôi cho đầy đủ thế đấy. Dù bà đã không còn, nhưng cảm ơn chị đã làm cho em nhớ lại hồi còn có bà, lại còn bắt em onl máy tính comment và tải cả đống bài của Bằng Kiều đây này =___=
    Dù sao, cảm ơn chị đã là nguồn cảm hứng ^^
    (chắc chị k nhớ đâu, nhưng em là cái đứa com dài dòng vớ vẩn trog cái post Áo lụa Hà Đông ấy :))

    Trả lờiXóa